Khi tôi còn là sinh viên lên Hà Nội trọ học, chung cư chưa phải là lựa chọn phổ biến. Khi ấy, chung cư bị coi là "tiêu sản", dù giá chỉ tầm 2 tỷ đồng, nhưng cho thuê lại chỉ được khoảng 3-5 triệu đồng một tháng. Vậy mà giờ đây, chung cư ở Hà Nội đã trở thành món hàng xa xỉ, giá trị tăng vọt, khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng.
Dẫu vậy, với sự thay đổi chóng mặt về giá cả, tôi tự hỏi: Khi chung cư hết hạn sử dụng, xuống cấp trầm trọng, nếu buộc phải tháo dỡ, quyền lợi của chủ sở hữu sẽ ra sao? Đây là một câu hỏi không chỉ liên quan đến giá trị tài sản mà còn về tương lai của những người đang đặt cả cuộc sống và tài chính vào các căn hộ cao tầng này.
Hiện tại, tôi đang sống ở châu Âu và có một góc nhìn khác về vấn đề sở hữu nhà ở. Dù tôi có một ngôi nhà ở ngoại ô, nhưng tôi chọn thuê một căn chung cư rộng 100 m2 ở trung tâm thành phố để tiện cho việc đi làm và sinh hoạt. Căn hộ thuê giúp tôi linh hoạt hơn trong cuộc sống: nếu công việc thay đổi hoặc muốn tìm một không gian sống mới, tôi có thể chuyển đi mà không gặp nhiều ràng buộc.
Không chỉ vậy, sống thuê còn giúp tôi tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Có gì hư hỏng trong nhà, chỉ cần báo cho chủ nhà, họ sẽ lo liệu. Tôi không phải đầu tư cải tạo, không mất công bảo trì hay nâng cấp. Thay vì chi tiêu lớn để sở hữu nhà cửa, tôi dành phần thu nhập còn lại để du lịch, tập luyện thể thao, hoặc đầu tư vào các tài sản giá trị như đất đai.
Ở châu Âu, việc sống trong những căn hộ nhỏ gọn, tối giản là điều rất phổ biến. Bản thân tôi cũng sống theo phong cách này: chỉ trang bị nội thất cần thiết, không có sofa, phòng ngủ đơn giản với chiếc giường và một tủ quần áo lớn. Nhà cửa thoáng đãng, sạch sẽ là đủ để cảm thấy thoải mái. Sau một ngày dài làm việc, tập luyện, về nhà chỉ cần một nơi để nghỉ ngơi. Nhà đẹp, xa xỉ, có lẽ chỉ mang lại cảm giác hào nhoáng chứ không thực sự cần thiết.
Nhìn lại ở Việt Nam, việc sở hữu nhà, đặc biệt là chung cư, vẫn là một áp lực lớn với nhiều người. Một căn hộ 6 tỷ đồng đôi khi vượt xa sức tưởng tượng của không ít gia đình.
Vậy tại sao không bình thường hóa việc thuê nhà? Ở thuê không chỉ giúp giảm gánh nặng tài chính mà còn mang lại sự linh hoạt và tự do trong cuộc sống.
Chúng ta cần thay đổi tư duy rằng nhà không nhất thiết phải sở hữu để trở thành "tài sản lớn nhất" trong đời người. Một nơi ở tiện nghi, phù hợp với nhu cầu và mang lại cuộc sống thoải mái mới là điều đáng giá nhất.
Suy cho cùng, nhà chỉ là một phần của cuộc sống, còn trải nghiệm và sự tự do mới chính là giá trị mà chúng ta nên hướng tới.
Linh Hoang