Xây dựng kho dữ liệu triển khai các giải pháp AI
PV: Sau gần một năm triển khai hợp tác về chuyển đổi số trong giáo dục giữa 6 tỉnh, thành Đông Nam bộ, đã đạt được một số kết quả ban đầu, ông có thể chia sẻ thêm về mục tiêu và kế hoạch hợp tác giữa các địa phương trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục?
Ông Nguyễn Văn Hiếu: Mục tiêu của sự hợp tác này là xây dựng một nền tảng chung để các địa phương có thể chia sẻ kinh nghiệm, tài nguyên và các giải pháp chuyển đổi số. Chúng tôi tập trung vào việc ứng dụng công nghệ một cách hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và quản lý giáo dục, đồng thời tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận các phương pháp học tập hiện đại.
Trong giai đoạn tiếp theo, chúng tôi sẽ chú trọng vào các giải pháp liên quan đến học liệu số, kết nối dữ liệu và chia sẻ tài nguyên học liệu giữa các tỉnh thành. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ chia sẻ những kinh nghiệm và kỹ năng liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) cho cả giáo viên và học sinh.
Sau một năm hợp tác, cơ sở dữ liệu ngành đã được hoàn thiện ở các tỉnh, thành, và chúng tôi đang lên kế hoạch xây dựng một kho dữ liệu lớn để phục vụ cho việc triển khai các giải pháp AI trong năm tới.
PV: Thưa ông, đến nay, việc hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi số tại Tp.HCM đã đạt được những kết quả bước đầu ra sao? Cụ thể, trong công tác quản lý và giảng dạy, thành phố đã áp dụng những giải pháp chuyển đổi số nào? Quá trình này gặp phải những thách thức và hạn chế gì?
Ông Nguyễn Văn Hiếu: Hiện nay, các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam bộ đều đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục theo kế hoạch được đưa ra tại Hội thảo Chuyển đổi số trong giáo dục vùng Đông Nam bộ năm 2023.
Tp.HCM cũng đã triển khai giải pháp định danh học liệu số, thông qua việc xây dựng danh mục đơn vị kiến thức và chia sẻ thông tin này với các tỉnh trong khu vực tại Hội thảo "Xây dựng giải pháp định danh đơn vị kiến thức và thống kê học liệu số cho Chương trình GDPT 2018".
Tại Tp.HCM, hầu hết các nghiệp vụ quản lý ngành giáo dục đều đã được số hóa. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang đối mặt với một số thách thức. Cụ thể, hạ tầng công nghệ thông tin ở các trường học chưa đồng đều, đặc biệt là tại các khu vực ngoại thành.
Bên cạnh đó, kỹ năng sử dụng công nghệ của một số giáo viên vẫn còn hạn chế, đòi hỏi thời gian để đào tạo và thích nghi. Việc đồng bộ hóa hệ thống dữ liệu giữa các tỉnh cũng cần sự phối hợp chặt chẽ và thống nhất về các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển giáo dục
PV: Thưa ông, để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong giảng dạy, cán bộ, giáo viên tại Tp.HCM đã được đào tạo và tập huấn như thế nào để theo kịp xu thế đổi mới hiện nay?
Ông Nguyễn Văn Hiếu: Để thực hiện chuyển đổi số trong giảng dạy, chúng tôi đã triển khai nhiều chương trình đào tạo và tập huấn cho cán bộ, giáo viên. Các khóa học chủ yếu tập trung vào việc nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, áp dụng các phần mềm giáo dục, thiết kế bài giảng điện tử và quản lý lớp học trực tuyến.
Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến khích giáo viên tham gia các hội thảo chuyên đề, chia sẻ kinh nghiệm về các phương pháp giảng dạy mới và cách tích hợp công nghệ hiệu quả trong quá trình dạy học.
Hiện nay, ngành Giáo dục Tp.HCM đang triển khai thực hiện Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, phát triển năng lực, kỹ năng số cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục Tp.HCM giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030", trong đó giai đoạn 2024 - 2025 là một phần quan trọng của kế hoạch.
Về lộ trình đào tạo, bồi dưỡng, trong năm 2024, 100% cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và nhân viên ngành Giáo dục Tp.HCM sẽ tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số, kỹ năng số và công nghệ số để có thể chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số tại các đơn vị.
Đặc biệt, trong tháng 9 vừa qua, 100% cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên tại các trường học đã tham gia khảo sát đánh giá năng lực kỹ năng số theo hình thức trực tuyến, nhằm phân loại và đưa ra kế hoạch bồi dưỡng phù hợp cho từng nhóm đối tượng.
PV: Theo ông, chuyển đổi số trong giáo dục có thể giải quyết những vấn đề như thiếu giáo viên, quá tải trường lớp tại Tp.HCM như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Hiếu: Việc ứng dụng công nghệ trong giáo dục giúp ngành Giáo dục và Đào tạo Tp.HCM tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực giáo viên, thông qua các lớp học trực tuyến hoặc mô hình học tập kết hợp.
Điều này không chỉ giảm bớt áp lực về sĩ số lớp học, mà còn tạo cơ hội cho học sinh ở các khu vực thiếu trường lớp có thể tiếp cận nền giáo dục chất lượng. Bên cạnh đó, công nghệ còn hỗ trợ hiệu quả trong công tác quản lý và phân bổ nguồn lực, từ đó giúp giải quyết vấn đề quá tải và nâng cao chất lượng giáo dục.
PV: Sở có những kỳ vọng và đề xuất gì về việc chuyển đổi số tại Tp.HCM?
Ông Nguyễn Văn Hiếu: Chúng tôi kỳ vọng rằng chuyển đổi số sẽ là yếu tố then chốt giúp thúc đẩy sự đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục tại Tp.HCM. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi đề xuất tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ thông tin, đặc biệt là ở các khu vực còn khó khăn. Ngoài ra, cần chú trọng hơn đến việc đào tạo và nâng cao kỹ năng công nghệ cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý.
Chúng tôi cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, cũng như hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ để phát triển các giải pháp giáo dục số phù hợp với điều kiện thực tế. Cuối cùng, chúng tôi hy vọng chuyển đổi số sẽ nhận được sự đồng thuận và tham gia tích cực từ phụ huynh và học sinh, nhằm tạo ra một môi trường giáo dục hiện đại và hiệu quả.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!