Nhiều người nghĩ rằng pin laptop khá an toàn và chỉ có điện thoại mới hay phát nổ do lỗi pin. Nhưng quan niệm này không hề đúng. Do cùng sử dụng pin Lithium Ion nên nguy cơ cháy nổ của cả hai thiết bị là như nhau. Cây bút Brad Moon của Forbes đã chia sẻ về hiện tượng kỳ lạ xảy ra trên chiếc MacBook của mình, báo hiệu nguy cơ có thể phát nổ nếu không xử lý kịp thời. Dưới đây là câu chuyện của anh.
Chiếc MacBook 7 năm tuổi
Pin Lithium Ion giúp tăng thời lượng sử dụng đáng kể cho máy tính xách tay, nhưng điều đó cũng đi kèm với rủi ro cháy nổ.
Theo báo cáo của Consumer Reports, màng pin lithium ion của laptop khi bị tác động có khả năng gây ra phản ứng nhiệt đột ngột đạt tới nhiệt độ trên 500 độ C chỉ trong vài giây, dẫn đến cháy hoặc thậm chí nổ lớn.
Không chỉ sức nóng và ngọn lửa mới là mối nguy hiểm mà khói độc cũng góp phần gây tử vong cho người sử dụng. Khả năng xảy ra sự cố này là tương đối hiếm, nhưng không phải là chưa từng có. Chỉ cần lướt một vòng mạng, bạn sẽ tìm thấy rất nhiều bài báo viết về laptop cháy nổ, khiến người dùng bị thương nặng.
Tôi viết về chuyện này khi vừa tháo pin chiếc MacBook Air 11 inch bảy năm tuổi của vợ tôi. Chiếc máy tính xách tay dự phòng được sử dụng trở lại khi cô ấy bắt đầu làm việc tại nhà trong thời gian dịch Covid.
Nguồn cung laptop trên thị trường khi ấy đang thiếu và chiếc MacBook này dù cũ nhưng vẫn có khả năng xuất ra màn hình lớn 4K, rất tiện để làm việc. Khi mua laptop, tôi luôn ưu tiên tối đa về thông số kỹ thuật, vì vậy chiếc MacBook này được trang bị chip Core i7 và RAM cao nhất.
Về sau, khi chuyển sang hình thức làm việc kết hợp, làm việc tại nhà không còn là ưu tiên cấp bách nữa. Chiếc MacBook vẫn hoàn thành tốt vai trò và chỉ phải hoạt động một hoặc hai ngày mỗi tuần.
Tuy nhiên, một ngày nọ, tôi nhận thấy nắp chiếc máy bị hở khoảng một phân. Những lần sau tôi vẫn thấy nó như vậy. Hóa ra, khi cầm trên tay, tôi mới nhận thấy nắp máy giờ không thể đóng lại được. Bàn phím và chỗ kê tay bị phồng và cong vênh. Đây là một chiếc máy tính xách tay bằng nhôm khá chắc chắn, vì vậy đó là một dấu hiệu rất xấu cho thấy có thứ gì đó đã tác dụng rất lớn lên nó.
Tôi lập tức mang chiếc máy đến bàn làm việc và sao lưu dữ liệu. Sau đó, tôi tháo các ốc trên thân máy. Áp lực từ bên trong quá mạnh khiến hai chiếc ốc vít cuối cùng bật ra và bay lên không trung sau vài vòng quay.
Pin phồng "như áo phao"
Rất nhanh chóng, tôi đã nhận ra vấn đề là gì: pin Lithium Ion của máy tính bị phồng nặng. Thay vì vẻ ngoài phẳng lì thường thấy, bộ pin giờ đây trông như một chiếc áo phao mùa đông.
Tôi đã tháo nó ra rất cẩn thận. Cho đến khi có thời gian mang đến kho rác địa phương để xử lý thích hợp, nó vẫn nằm ở bên ngoài, cách xa nhà và được đựng trong một chiếc thùng kim loại.
Tôi không muốn thay pin mới. Chiếc MacBook vẫn khởi động và chạy tốt khi cần nếu được cắm nguồn. Tuy nhiên, tôi đã chuyển công cụ làm việc tại nhà của vợ tôi sang một chiếc Mac mini M1 mới – thứ mà tôi nhận ra là rất tuyệt vời.
Chiếc máy nói trên là chiếc MacBook Air thứ hai mà tôi sở hữu có pin Lithium Ion bị phồng. Đầu tiên là chiếc 13 inch thế hệ đầu. Tôi đã đăng về trải nghiệm đó vào năm 2015, trong đó chia sẻ cách tìm pin thay thế.
Chiếc MacBook Air được thay pin của bên thứ ba vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay, mặc dù nó khá vô dụng khi chẳng làm được gì ngoại trừ duyệt web.
Điểm mấu chốt của bài viết này là nếu bạn có một chiếc máy tính xách tay đã hơn ba hoặc bốn tuổi, hãy để ý xem có bất kỳ dấu hiệu nào của pin bị phồng hay không.
Đặc biệt nếu bạn có những mẫu laptop đã ngừng sử dụng từ lâu được cất trong tủ hoặc ngăn kéo để phòng bị cho trường hợp cần sử dụng chúng trong tương lai. Mặc dù hiếm gặp nhưng hiện tượng phồng pin Lithium Ion vẫn xảy ra và MacBook hay các laptop thương hiệu khác không không hề ngoại lệ.
Tôi đã có hai trong số bốn chiếc MacBook Air bị phồng lên do bộ pin bị lỗi. Nó có thể làm hỏng máy tính về mặt vật lý nếu không được kiểm tra và việc gỡ bỏ cần phải được thực hiện rất cẩn thận.
Trong trường hợp pin phồng lâu mà không phát hiện kịp thời, nó sẽ có nguy cơ phát nổ và hậu quả sẽ rất tồi tệ.