Mới đây, tòa án nhân dân huyện Changli, thành phố Qinhuangdao ở Hồ Bắc, đã chấp nhận mức bồi thường 60.000 NDT (hơn 8.200 USD) cho Ling’er, nghệ sĩ biểu diễn 28 tuổi đồng thời là người chuyển giới nữ. Đây là lần đầu tiên một người chuyển giới thắng kiện trong vấn đề bệnh viện tâm thần Trung Quốc sử dụng sốc điện để "đảo ngược giới tính" cho cộng đồng LGBTIQ+.
Nghệ sĩ cho biết cô đến Bệnh viện Qinhuangdao City Fifth vào tháng 7/2022, sau khi công khai bản dạng giới với cha mẹ. Gia đình Ling’er phản đối và cho rằng con mình không ổn định về mặt tinh thần nên đã đưa cô vào bệnh viện tâm thần nói trên.
Tại đây, Ling'er được chẩn đoán mắc "rối loạn lo âu và lệch lạc giới tính". Cô bị giữ lại 97 ngày và phải trải qua 7 lần điều trị sốc điện. Ling'er cho biết việc này gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe, khiến cô bị ngất xỉu mỗi lần vào viện và gặp vấn đề về tim, hiện phải dùng thuốc. Theo Ling'er, bệnh viện đã cố gắng "chỉnh sửa giới tính" của cô để phù hợp với kỳ vọng xã hội.
Ở Trung Quốc, vấn đề pháp lý liên quan đến các liệu pháp "chuyển đổi giới tính" cho người LGBTQ+ vẫn còn mơ hồ. Chính phủ đã loại bỏ đồng tính luyến ái khỏi danh sách các rối loạn tâm thần chính thức vào năm 2001, nhưng giữ lại triệu chứng liên quan đến rối loạn xu hướng tình dục. Điều này tạo điều kiện cho các bác sĩ tâm thần rao bán gói điều trị "đảo ngược xu hướng tình dục" cho người thuộc cộng đồng LGBTIQ+.
Một báo cáo năm 2017 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã kêu gọi chính phủ Trung Quốc ngăn chặn bệnh viện và cơ sở y tế ép buộc người LGBTQ+ điều trị chuyển đổi giới tính. HRW cho biết nhiều nạn nhân của các liệu pháp này đã bị gia đình ép buộc nhập viện. Nghiên cứu năm 2019 dựa trên khảo sát 385 người cho thấy cứ 5 người chuyển giới trẻ tuổi ở Trung Quốc thì có 1 người bị cha mẹ ép thực hiện các liệu pháp đảo ngược giới tính.
Ling'er hy vọng trải nghiệm của mình sẽ mang đến thay đổi cho cộng đồng LGBTQ+ ở Trung Quốc. Cô mong muốn cộng đồng người chuyển giới sớm được bảo vệ về quyền con người cơ bản, không còn bị đối xử bất công trong lĩnh vực y tế.
"Tôi cảm thấy tốt vì đã thắng kiện. Tôi hy vọng trường hợp của tôi sẽ hữu ích cho các ca chuyển giới khác ở Trung Quốc", Ling'er chia sẻ.
Từ đầu thế kỷ 20, tại nhiều quốc gia, khái niệm "bệnh đồng tính" được đa số cơ sở y tế chấp nhận. Thậm chí, Hiệp hội Tâm thần Mỹ (APA) từng coi đây là chứng rối loạn tâm lý. Đến những năm 1960-1970, khi phong trào đòi quyền bình đẳng cho người đồng tính nở rộ, giới chuyên môn bắt đầu có cái nhìn khác. Năm 1973, APA loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi cẩm nang các bệnh tâm thần. Sau đó, một loạt quốc gia đưa ra chính sách tương tự.
Thục Linh (Theo Guardian, NBC)