Trung tâm Y tế thành phố Bà Rịa ngày 26/11 ghi nhận ca bệnh dại này, là người đầu tiên trên địa bàn lây nhiễm virus dại từ mèo. Điều tra dịch tễ cho thấy hôm 25/5 người này bị mèo cào vào cẳng chân gây xước, chảy máu nhẹ, nghĩ là mèo nhà nuôi nên không đi tiêm vaccine phòng bệnh dại. Ngày 20/11, bà sốt, đau họng, mệt mỏi, vẫn đi làm bình thường, ba hôm sau khó thở nên vào Bệnh viện Bà Rịa cấp cứu song chưa tìm ra nguyên nhân.
Ngày 24/11, bệnh nhân bứt rứt, tình trạng khó thở tăng và ho khạc nhiều, chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM điều trị, bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh dại không đặc hiệu. Khuya cùng ngày, người nhà xin đưa bệnh nhân về Bệnh viện Bà Rịa điều trị và tử vong vào rạng sáng hôm sau.
Người nhà cho biết con mèo gia đình nuôi là mèo cỏ, vừa sinh con. Trước khi cào bệnh nhân, nó đã cắn vào cẳng chân em gái bệnh nhân gây chảy máu. Sau khi cắn người, con mèo có biểu hiện hung dữ nên gia đình đã đập chết, tiêu hủy. Hiện người em gái sức khỏe bình thường, đã tiêm vaccine phòng dại mũi đầu tiên.
Virus dại có quá trình ủ bệnh rất phức tạp, có thể chỉ trong 7 đến 10 ngày nhưng cũng có thể kéo dài vài năm, thậm chí 10 năm, tùy thuộc mức độ nặng, nhẹ và vị trí vết cắn của động vật. Điều này gây khó kiểm soát quá trình theo dõi và điều trị bệnh nhân, theo các bác sĩ.
Một số trường hợp bị chó mèo cắn, cào hoặc liếm lên vết thương hở, vết xước nhẹ, vị trí xa các đầu mút thần kinh, nạn nhân nghĩ là không nguy hiểm nên không tiêm phòng dại. Tuy nhiên, thực tế thì virus dại đã xâm nhập vào cơ thể. Sau một thời gian dài, virus dại bắt đầu khởi phát triệu chứng khiến người bệnh tử vong.
Bệnh dại khi đã phát triệu chứng thì 100% tử vong, cách phòng ngừa duy nhất là tiêm vaccine dại. Do đó, nếu chẳng may bị động vật cào, cắn hoặc liếm lên vết thương hở, cần tiêm vaccine phòng dại càng sớm càng tốt để cơ thể kịp sinh kháng thể ngăn chặn sự tấn công của virus dại, tốt nhất là tiêm ngay trong ngày đầu tiên.
Trường Hà