Cuối tháng 11, Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa cho biết bệnh nhân đến khám khi vùng mi mắt trái ngứa dữ dội, khó chịu, cảm giác nặng mí. Chị dùng thuốc nhỏ mắt nhưng không đỡ.
Khi soi mắt bệnh nhân dưới kính hiển vi, bác sĩ phát hiện dưới lớp vảy là nhiều con rận mi bám chi chít trên lông mi, trứng rận xâu thành chuỗi. Ê kíp gắp rận, hướng dẫn bệnh nhân cách vệ sinh mắt, tránh lây lan, tái nhiễm. Hiện chưa rõ nguyên nhân người phụ nữ bị mắc tình trạng này.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tứ, chuyên khoa Mắt, cho biết rận mi, tên khoa học Pthirus pubis, là một động vật chân đốt hút máu, ký sinh ở người. Rận mi có thể lây nhiễm trong quá trình tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm bệnh hoặc lây truyền gián tiếp qua quần áo, khăn tắm. Thông thường, loài vật này có nhiều ở chó mèo, khi tiếp xúc gần dễ bò sang người.
Khi bị rận mi, bệnh nhân có thể cảm thấy ngứa, sẩn đỏ mắt hoặc có các vảy màu đỏ sẫm ở mi, lông mi. Rận có tốc độ sinh sôi nảy nở nhanh, gây khó chịu, nguy cơ viêm nhiễm vùng bị ký sinh, giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bên cạnh đó, có thể lây cho những người xung quanh, đặc biệt khi sống cùng nhà.
Bác sĩ khuyến cáo người dân cần lưu ý trong điều trị, thay đổi trong thói quen sinh hoạt nhằm bảo vệ sức khỏe gia đình. Sử dụng thêm một số loại sữa tắm, dầu gội diệt khuẩn để hỗ trợ loại bỏ rận. Quần áo, ga giường, vỏ gối và khăn tắm nên được giặt ở nhiệt độ 50 độ C trong nửa giờ, sau đó sấy khô trong 10 phút.
Loại bỏ rận và trứng trên mi mắt bằng nhíp, sử dụng một số thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Cần điều trị cho bệnh nhân và các thành viên trong gia đình để được giải quyết dứt điểm, tránh việc lây lan và tái nhiễm. Đến cơ sở nhãn khoa uy tín khi có những dấu hiệu bất thường như cộm xốn, đau nhức, nhìn mờ.
Thúy Quỳnh