Trước đây có bạn từng viết rằng từ sau 35 tuổi, nhân sự làm IT dễ trở nên đuối dần. Còn bác sĩ thì càng có kinh nghiệm và 'giá'. Nhưng chưa phân tích kỹ nguyên nhân.
Theo tôi, nghề nghiệp nào cũng chịu tác động từ những yếu tố đào tạo, cơ sở hạ tầng, và quy luật cạnh tranh trên thị trường lao động. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa bác sĩ và kỹ sư IT ở tuổi 35 lại phản ánh rõ nét các yếu tố này.
Ở tuổi 35, bác sĩ thường đạt độ chín nghề, bắt đầu được giao phó những trách nhiệm lớn, quản lý thiết bị y tế hiện đại. Điều này đến từ sự khan hiếm trong đào tạo. Rất ít trường y trên thế giới có thể đáp ứng toàn bộ yêu cầu về cơ sở vật chất để đào tạo bác sĩ, từ đó dẫn đến tỷ lệ cung thấp hơn so với nhu cầu.
Đặc biệt, chi phí đào tạo bác sĩ rất cao và đòi hỏi thời gian dài, thường từ 10 năm trở lên để bác sĩ có đủ năng lực tiếp cận các thiết bị phức tạp như máy chụp CT, MRI.
Ngược lại, kỹ sư IT phải đối mặt với một thị trường lao động có tính cạnh tranh cao hơn nhiều. Các trường đại học, cao đẳng và thậm chí các trung tâm đào tạo ngắn hạn liên tục cung ứng lượng lớn lao động cho ngành Công nghệ thông tin (CNTT).
Vì vậy, độ "lạm phát" lao động trong ngành IT cao hơn đáng kể so với y khoa. Thêm vào đó, chi phí để trở thành kỹ sư IT thấp hơn nhiều. Một chiếc máy tính cùng kết nối internet là đủ để tiếp cận nghề, mà sự khác biệt giữa chiếc máy tính vài triệu và vài chục triệu không tạo ra khoảng cách quá lớn về năng lực làm việc.
Sự khác biệt về tuổi nghề giữa hai ngành còn chịu ảnh hưởng bởi cách mỗi ngành cạnh tranh và phát triển. Trong lĩnh vực y khoa, việc chậm rãi tiếp cận các thiết bị chuyên dụng khiến bác sĩ ở tuổi 35 trở thành nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm và đáng tin cậy.
Còn với ngành IT, sự phát triển chóng mặt của công nghệ đòi hỏi kỹ sư phải liên tục cập nhật kiến thức. Những người không thể đổi mới hoặc không chuyển lên các vai trò quản lý sẽ sớm bị thế hệ trẻ vượt qua.
Một yếu tố khác khiến kỹ sư IT dễ bị đào thải là cơ hội sở hữu những "công cụ quyết định" trong ngành bị hạn chế hơn. Cuộc chiến trong ngành IT không chỉ nằm ở trình độ cá nhân, mà còn ở khả năng tiếp cận dữ liệu khách hàng, bí mật công nghệ hay vị trí quản lý.
Những ai không thể tiến lên vị trí quản lý hoặc tạo giá trị khác biệt sẽ chịu áp lực cạnh tranh rất lớn từ lực lượng lao động trẻ, linh hoạt hơn và chi phí thấp hơn.
Ngược lại, bác sĩ ở tuổi 35 đã bước vào giai đoạn có thể khai thác hiệu quả nguồn lực. Với tỷ lệ đào tạo bác sĩ thấp hơn, những người trong nghề lại càng được trọng dụng hơn, giá trị nghề nghiệp vì thế không ngừng tăng cao.
Tóm lại, theo tôi, sự khác biệt này không chỉ là câu chuyện của cá nhân mỗi ngành nghề, mà còn là bức tranh lớn hơn về cung - cầu lao động, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, và tốc độ phát triển của từng lĩnh vực.
Nếu bác sĩ đi qua giai đoạn dài để đạt được đỉnh cao sự nghiệp, kỹ sư IT lại phải chạy đua ngay từ những năm đầu và tìm cách tạo ra lợi thế bền vững trước áp lực đào thải.
Thấu Nhân