Tôi tin Tuấn, bởi biết anh dịch rất có trách nhiệm và chọn sách dịch rất tinh. Với anh, dịch không chỉ là chuyển ngữ mà còn phải rất am hiểu văn hóa bản địa của tác giả và tác phẩm anh dịch. Ngoài là chuyên gia ngôn ngữ và văn hóa của vùng đất anh dịch, tiếng Việt trong các bản dịch của anh cũng hết sức trong sáng, phong phú và tinh tế, nhờ thế các bản dịch của anh đọc rất vào và có chiều sâu, lột tả được hết tư tưởng và nội dung tác phẩm mà lại rất nhuần nhị với người Việt. Nghe nói có nhiều cuốn sách, để dịch nó, anh phải sang tận nơi, tiếng là du lịch nhưng là để tìm hiểu thật kỹ văn hóa, đời sống vùng ấy để dịch cho chuẩn.
Gọi là 3 nhưng thực ra là 2, của cùng 1 tác giả, nhà văn nữ Jean Webster. Bà sinh năm 1876 ở Fredonia, New York, trong một gia đình nổi tiếng. Mẹ bà là cháu gái của Mark Twain, nhà văn khôi hài bậc nhất, tiểu thuyết gia giàu tính sáng tạo và nhà diễn thuyết nổi tiếng của nước Mĩ. Một là cuốn "Ông bố chân dài" và hai là "Kẻ thù yêu dấu" 2 tập.
3 cuốn sách, 2 tập nhưng của cùng tác giả và viết về cùng một vấn đề: trẻ mồ côi và những trại mồ côi. Và hình thức cũng thống nhất, là những bức thư, từ một phía, nhân vật chính là trẻ mồ côi và người quản lý trại trẻ mồ côi.
Thế tại sao anh gửi cho tôi?
Thứ nhất anh là người luôn luôn quan tâm đến trẻ em, đến vị thành niên và tuổi bắt đầu chớm trưởng thành. Thứ hai, biết tôi cũng hay lên xuống một cái nơi nuôi trẻ mồ côi như thế ở Gia Lai, cái "mái ấm Giuse" mà tôi hay gọi và viết thành "mái ấm Chư Sê", gọi theo địa danh.
Ở đấy, một người đàn ông độc thân, theo đạo, thường xuyên nuôi hơn một trăm đứa trẻ mồ côi nhiều lứa tuổi, đa phần là người Jrai, Bahnar. Người Tây Nguyên có phong tục (giờ là hủ tục) nếu khi sinh đẻ mà mẹ chết (mà chuyện này thì... thường xuyên ở ngày xưa, giờ ít hơn nhưng vẫn còn), thì sẽ chôn theo đứa con sơ sinh ấy. Giờ chúng ta cho là tội ác, nhưng với người Tây Nguyên xưa, đơn giản, đấy là việc cần làm, bởi nguồn thức ăn duy nhất với cháu bé chỉ là sữa mẹ, mẹ chết thì trước sau đứa bé cũng sẽ chết.
Và ở Tây Nguyên không chỉ mỗi nơi ấy, còn nhiều cơ sở nuôi trẻ mồ côi nữa, ví dụ nguyên mái ấm mang tên Vinh Sơn ở Kon Tum đã có tới 6 cơ sở thường xuyên nuôi 600 cháu, nhưng hơn cái mái ấm Chư Sê là do các sơ nuôi.
Tôi đã bỏ ra ba đêm giương máy tính lên đọc, hồi hộp đọc, và cứ sợ... hết.
Nó hết sức đáng đọc, hấp dẫn từ dòng đầu tới dòng cuối cùng.
Cả mấy trăm trang sách toàn là những lá thư, thư như là độc thoại bởi nó chỉ từ một phía. Mỗi bức thư một trạng huống cảm xúc, không phải là những câu chuyện như là câu chuyện, mà nó chỉ là những cảm xúc tức thời được kể, có bức dài và có bức chỉ... 3 dòng, và đều hấp dẫn như nhau.
Toàn là những chuyện đời thường, về trẻ mồ côi và trại mồ côi, những diễn biến tâm lý, những trò nghịch, bướng, và cả những nổi loạn của chính nhân vật, là người viết thư.
Nhưng xâu chuỗi, nó là một hệ thống tư tưởng nhân văn về giáo dục trẻ. Giáo dục mà như không giáo dục, giáo dục một cách hết sức tự nhiên, tự giác. Có thành công và có thất bại...
Những đứa trẻ mồ côi lăn lóc ở đâu đó ngoài xã hội được nhặt về, được bỏ trước trại, rồi trở thành thành viên của trại. Thành phần xuất thân rất khác nhau, từ nghèo hèn tới cao sang, nhưng vào đây hoàn toàn là tờ giấy trắng.
Và chúng lần lượt trưởng thành.
Cái làm nên sự hấp dẫn của cả 2 cuốn sách này chính là cách viết.
Chỉ là những bức thư, dằng dặc những bức thư. Nhưng mỗi bức thư là một nhát cắt cảm xúc, tâm trạng, lúc hân hoan, khi nghẹn thắt. Như là bâng quơ, nhưng chính ra nó lại được sắp xếp rất khéo, để cuối cùng vỡ òa ra cái kết rất bất ngờ, tất nhiên là hạnh phúc. Nhưng để tới cái mà ta gọi là happy ending ấy, ta phải hồi hộp qua mấy trăm trang sách.
Xây dựng được cốt truyện như thế quả là bậc thầy.
Và ngôn ngữ của người dịch cũng siêu. Một mặt anh trung thành nguyên bản, mặt khác, anh sử dụng triệt để những tiếng, giọng điệu theo trend lớp trẻ hiện nay, nhưng đặt đúng ngữ cảnh nên nó hài hước và bất ngờ, dạng như này "Và thế là em lại có đủ năng lượng để viết cho anh những dòng chan chứa yêu thương này, thay cho lời chào ngày mới. Tạm biệt chàng trai của em… iu anh!".
Ngôn ngữ hấp dẫn như thế, những bức thư, chuyện kể cảm xúc đầy bất ngờ, và nội dung rất thiết thực về trẻ mồ côi, về giới và sự lập thân vân vân khiến tôi chạnh lòng nghĩ tới những mái ấm, những trại mồ côi của chúng ta.
Và nghĩ, làm sao để những cuốn sách như thế này đến được những nơi ấy, để cả người nuôi và các cháu được nuôi đều có thể đọc. Hơn nữa, áp dụng nó vào đời sống. Kể cũng khó, bởi những nơi ấy, như cái mái ấm Chư Sê mà tôi thân thuộc ấy, giờ họ còn phải vật lộn để lo cho các cháu đủ cái ăn, cái mặc, và cả tiền đóng học nữa. Nhiều khoản lắm, nhiều khi xuống, tìm hiểu rồi cứ thắt ruột mà thương.
Tất nhiên cũng vẫn rất mừng, bởi như cái mái ấm Chư Sê ấy, ban đầu chỉ mình ông thầy Nhật đứng ra lo tất, giờ có thêm hai người tình nguyện trọn đời lo cùng ông là bé Trang, cháu gọi ông Nhật bằng bác, là giáo viên đã biên chế, bỏ việc về phụ bác, và một tu sĩ trẻ tên Trung, học xong cũng về đây gắn bó với mái ấm. Và nữa, các cháu lớn, trưởng hành, sau khi học xong, hoặc về tiếp tục lo cho các em, hoặc đi làm gửi tiền về phụ thầy.
Và chợt nghĩ, ơ kìa, đấy cũng chính là những câu chuyện cực hay, cực hấp dẫn, cực ý nghĩa, vấn đề là, chúng ta có tài năng để viết không?
Lại nhớ hồi học đại học, một giáo sư dạy: những tiêu chuẩn để sinh ra giải Nobel gồm có chuyện để kể và có người xuất hiện để kể.
Đọc "Ông bố chân dài" và "Kẻ thù yêu dấu" xong cứ vấn vương là vì thế?