Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy là một đào thương tài danh của sân khấu cải lương Nam Bộ. Ở bà hội đủ 5 yếu tố, thanh - sắc - đức - tài - duyên.
15 tuổi đã là diễn viên nổi tiếng
Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy sinh năm 1948 trong gia đình nông dân nghèo ở làng Đông Thành, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Gia đình nữ nghệ sĩ có 8 chị em, trong đó bà là chị cả.
Do cuộc sống khó khăn, từ nhỏ, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Lệ Thủy đã theo gia đình lên Sài Gòn mưu sinh. Hồi 9 - 10 tuổi, bà hay bế em ra tiệm sửa radio thường mở loa cho cả xóm nghe vọng cổ. Bà nghe bài nào là thuộc bài nấy, nghe chán chê thì về nằm võng trước nhà ca lại ru em. Nghệ sĩ Tư Long làm ở ban văn nghệ xóm bên tình cờ nghe bà ca vọng cổ đã mời Lệ Thuỷ tham gia và gửi theo học ca cổ với thầy Năm Truyền làm thợ hớt tóc ở Khánh Hội. Sau đó, Lệ Thủy được gửi sang học bài bản cải lương 3 Nam, 6 Bắc với nhạc sĩ Tám Đen.
Lúc đó, các em của Lệ Thủy liên tục đau ốm, gia đình nợ nần tứ phía. Không tiếp tục đến trường được do không có khai sinh, Lệ Thủy phải làm việc sớm để phụ giúp gia đình và quyết định xin đi theo gánh Trâm Vàng (Biên Hòa, Đồng Nai) lưu diễn khắp nơi. Phải đến lúc được hãng Asia mời thu âm bài Nấu bánh đêm xuân chung với nghệ sĩ Hữu Phước, Lệ Thuỷ mới được nhìn nhận như một cô đào, sự nghiệp bắt đầu "lên hương".
14 tuổi, NSND Lệ Thủy đóng các vai đào nhì. Một thời gian sau, NSND Lệ Thủy rời đoàn Trâm Vàng để về Công ty Kim Chung của ông bầu Trần Viết Long. Tại sân khấu này, Lệ Thủy đã được soạn giả Ngọc Văn nhận làm con nuôi, ông viết nhiều kịch bản đưa NSND Lệ Thủy vào đóng từ vai phụ cho đến vai chính.
Soạn giả Viễn Châu từng nói, giọng ca Lệ Thủy rất hiếm, là kim pha thổ. Đó là chất thổ của phù sa đất cù lao sông nước. Bao nhiêu chất ngọt hội tụ về Lệ Thủy, kết tủa nên làn hơi dày, phát âm sáng, nhả chữ tròn, đẹp, tạo thành những thanh âm vang, như sự hợp nhất của hai dòng sông Tiền, sông Hậu trước khi đổ ra biển lớn.
Năm 1964, khi soạn giả Viễn Châu kết hợp tân nhạc và cổ nhạc để tạo nên bản tân cổ giao duyên, ông đã chọn giọng ca Lệ Thủy thể hiện cho thử nghiệm này với bài hát Chàng là ai.
Những "người tình sân khấu" có một không hai
Khoảng năm 1970, Lệ Thuỷ gặp Minh Phụng ở đoàn Kim Chung 5 - khi ấy cũng đã có tiếng, được giao nhiều vai chính, hát cùng toàn cô đào danh tiếng như Út Bạch Lan, Mỹ Châu, Diệu Hiền… Thế nhưng, phải đến khi Lệ Thuỷ - Minh Phụng kết đôi mới tạo nên hiện tượng trong giới cải lương miền Nam bấy giờ.
Cả hai đã tạo nên sức hút lớn đến nỗi báo giới khi ấy phải gọi họ là “cặp bão biển đang dâng cao”. Đêm nào đoàn có cặp "bão biển" diễn là khán giả xem đông nghịt. Đĩa nào ra cũng bán chạy, tuồng nào cũng thắng lớn.
Hồi đầu tháng 6/2024, trên trang cá nhân, ''bà hoàng cải lương'' Lệ Thuỷ đã chia sẻ sự xúc động về đêm diễn đặc biệt tại Nha Trang: "Một đêm diễn thật đáng nhớ tại thành phố biển Nha Trang với rất đông khán giả. Thật hạnh phúc với tình cảm của quý khán giả đã dành cho Lệ Thủy và nhắc lại nhiều kỷ niệm những năm đầu thập niên 1970 với cặp "bão biển" Minh Phụng - Lệ Thủy cùng đoàn Kim Chung 5".
Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, NSND Lệ Thủy để lại nhiều dấu ấn. Đáng chú ý nhất là việc NSND Lệ Thủy hợp thành cặp đào - kép ăn ý với NSND Minh Vương. Minh Vương - Lệ Thủy nổi tiếng và có sức ảnh hưởng đến mức bất cứ khán giả nào yêu mến bộ phim nghệ thuật này cũng đã từng nghe nhắc tên hoặc xem qua các băng video hoặc trích đoạn cải lượng có sự xuất hiện của cặp đào - kép hàng đầu trong giới.
Nhưng hoàn toàn không phải tình yêu, cặp NSND Minh Vương - NSND Lệ Thuỷ giữ mối tình tri kỷ bền chặt. Một điều khá thú vị, dù là cặp đôi ăn ý trên sân khấu nhưng Minh Vương vẫn gọi Lệ Thủy là chị vì ông vào nghề muộn hơn và ít tuổi hơn nữ nghệ sĩ.
Chất giọng trong trẻo, vang sáng của Minh Vương hòa quyện tự nhiên cùng âm sắc thổ đặc trưng của Lệ Thủy giúp tên tuổi cả hai vụt sáng. Ông dần thay thế Minh Phụng, trở thành bạn diễn ăn ý của Lệ Thủy với các vở: "Đêm lạnh chùa hoang", "Tô Ánh Nguyệt", "Nửa đời hương phấn", "Máu nhuộm sân chùa"...
Cặp đôi được mệnh danh là "tình nhân sân khấu" ngày càng toả sáng và liên tục nhận được những lời khen vì sự gắn bó như "sinh ra là dành cho nhau"... Xuất hiện như hình với bóng trong nhiều vở diễn đình đám, thậm chí khán giả còn không chấp nhận việc vắng một trong hai.
Hiện nay, cả hai vẫn gặp gỡ và cùng nhau cất giọng khi đi diễn chung với những tích tuồng đã làm nên tuổi tuổi cách đây vài chục năm.
Năm 1993, bà được phong tặng danh hiệu NSƯT. Năm 2012, Lệ Thủy được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Năm 2013, NSND Lệ Thủy nhận giải Nữ nghệ sĩ cải lương được yêu thích nhất ở Giải thưởng truyền hình HTV Awards.
Hôn nhân viên mãn và sự tận hiến cho nghệ thuật
Từng hát chung sân khấu với rất nhiều nam nghệ sĩ, nhưng NSND Lệ Thủy chưa bao giờ vướng tin đồn tình cảm nào. Năm 1973, NSND Lệ Thủy lập gia đình với ông Đình Trúc khi mới 25 tuổi. Thời điểm nữ nghệ sĩ lên xe hoa, người hâm mộ khá bất ngờ. Bởi trước đó, bà chưa từng công khai chuyện tình cảm hay đồng ý hẹn hò với ai.
Kể từ ngày cưới đến nay đã hơn 50 năm gia đình NSND Lệ Thủy vẫn hết sức ấm êm, hạnh phúc. Chồng Lệ Thủy luôn là điểm tựa vững chắc cho nữ nghệ sĩ được thoải mái làm nghề.
NSND Lệ Thủy sinh 3 người con. Người con trai thứ hai của bà sau khi tốt nghiệp đại học ở Úc đã về Việt Nam làm ca sĩ với nghệ danh Dương Đình Trí. Năm 2009, Dương Đình Trí tổ chức liveshow Bước chân hai thế hệ nhân dịp sinh nhật lần thứ 61 của mẹ mình.
Có lẽ nhờ giọng ca trời phú nên Lệ Thuỷ vẫn được khán giả thương yêu cho đến ngày hôm nay. Thậm chí, khi đã đã bước qua tuổi U80 nhưng giọng ca của nữ NSND vẫn ngọt ngào, vang rền. Bà vẫn thu xếp thời gian đi show từ Nam ra Bắc để cất tiếng hát phục vụ khán giả.
“Nhìn lại đời mình, tôi thấy vinh hạnh vì từ khi sinh ra, lớn lên và già đi như hiện tại đều được sống trong tình thương của khán giả. Tôi trân trọng những tình cảm đó nên dù xa xôi, cực khổ thế nào cũng ráng lặn lội đi để gặp gỡ khán giả của mình, hát cho họ nghe", NSND Lệ Thuỷ trải lòng.