Giáo sư, tiến sĩ tâm lý học Theresa E. DiDonato của Đại học Loyola Maryland (Mỹ) cho biết có hai nhóm độc thân là độc thân chủ động và độc thân bất đắc dĩ. Nhóm chủ động luôn tỏ ra hài lòng với cuộc sống của họ, vui vẻ dành thời gian và năng lượng cho bạn bè, gia đình. Họ coi trọng sự tự do của chính mình.
Những người độc thân không tự nguyện thường xấu hổ, buồn bã, ít tự hào và có cảm giác tội lỗi. Nhóm này có thể ngoại hình và tính cách hấp dẫn, có kinh nghiệm trong tình yêu nhưng hiện tại thấy không có triển vọng nào cho một mối quan hệ lãng mạn.
Trong nghiên cứu năm 2024 tại Hy Lạp với 1.400 người, các tác giả phát hiện khác biệt lớn giữa người chủ động độc thân và những người bất đắc dĩ độc thân.
So với những người độc thân vui vẻ, người độc thân bất đắc dĩ thường ít kỹ năng tán tỉnh, ít đầu tư công sức vào tìm bạn đời và nhút nhát hơn (phần lớn là nữ).
Những đặc điểm này không thể hiện họ là những đối tác chất lượng cao, khó với tới. Ngược lại, đây là những trở ngại để bắt đầu mối quan hệ. Nói cách khác, thách thức của những người này không phải giữ đối tác mà là làm thế nào để "bắt đầu có người yêu".
Họ làm nhiều việc, sống ở nhiều nơi, nhưng thường chung đặc điểm ít dành thời gian và cơ hội gặp mọi người.
Để vượt qua tình trạng độc thân không mong muốn, giáo sư Theresa E. DiDonato khuyên cần nỗ lực vượt qua rào cản này. "Nghiên cứu cho thấy cần vừa biết cách tiếp cận, vừa can đảm và quyết tâm để tìm kiếm một nửa của mình, đặc biệt là phụ nữ", bà Theresa nói.
Chuyên gia khuyên thay vì giữ thói quen "một tối đi chơi là cơ hội kết đôi", người độc thân chỉ nên xem đó là buổi gặp gỡ bạn bè đơn thuần, cùng những người bạn khác để đỡ áp lực.
Ngoài ra, nên tìm hiểu không gian để đối phương thoải mái mở lòng. Không nhất thiết gặp trực tiếp, bạn cũng có thể trò chuyện qua mạng.
"Hầu hết các mối quan hệ lãng mạn đều bắt đầu từ tình bạn. Vì vậy, cách để phát triển mối quan hệ là dành năng lượng không phải để tìm một mối quan hệ lãng mạn thực sự, mà để xây một mạng lưới xã hội rộng hơn", chuyên gia nói.
Nhật Minh (Theo Psychology Today)